Bạn đang gặp chán nản trong công việc, bế tắc vì nợ nần hay tuyệt vọng đến cùng cực khi ở trong giai đoạn trầm cảm. Bạn đã tìm nhiều bài viết trên mạng nhưng chẳng điều gì viết chạm đến trái tim, khối óc của bạn cả.
Những lời khuyên đúng nhưng chung chung
Tất cả khó khăn chỉ là tạm thời, mọi thứ rồi sẽ qua. Vâng tôi biết chứ, tôi biết hết cơn hưng cảm rồi tôi sẽ rơi vào trầm cảm. Nhưng tôi thấy mọi thứ quá khó khăn, ngột ngạt, bế tắc, tuyệt vọng, chán nản, bi quan và tôi chỉ đang tồn tại gồm ăn, ngủ, suy nghĩ tiêu cực tràn ngập tâm trí.
Oán thán cũng chẳng thay đổi được gì. Vâng tôi biết, nhưng tôi không thể ngừng oán thán và tự hỏi tại sao tôi “bị căn bệnh quái ác”, “căn bệnh dở dở ương ương này” cơ chứ. Lúc thì dồi dào năng lượng, tự tin tràn đầy, lạc quan và chẳng hề phàn nàn khi hưng cảm. Nhưng lúc thì chìm trong đại dương đen của trầm cảm hay không thấy ánh sáng cuối đường hầm gì cả.
Thay vì ngồi than khóc, hãy mạnh dạn đứng lên. Vâng ai cũng khuyên tôi vậy cả. Nhưng tôi chẳng biết đứng lên thế nào khi chẳng biết mình thích gì, giỏi gì, cuộc đời tôi sẽ đi về đâu cả!
Hiểu về luật nhân quả, nghiệp báo. Vâng tôi cũng có nghe lời khuyên này nhưng thực sự tôi cũng chẳng biết mình đã làm gì trong quá khứ hay kiếp trước để phải chịu tình cảnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực này!
Hãy tĩnh tâm, ngồi thiền. Vâng tôi cũng có làm rồi nhưng sự hối tiếc về quá khứ, lo âu về tương lai cứ choán lấy tâm trí tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nỗi sợ ở tim, ở dạ dày. Tôi không thể ngừng những suy nghĩ tiêu cực ấy lại bằng việc tĩnh tâm như ngồi thiền.
Tôi muốn viết một bài gần gũi, đi thẳng vào những bế tắc trong cuộc sống đặc biệt dành cho nhóm đối tượng có những rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm,…vì khó khăn, tuyệt vọng, bế tắc của người bình thường đã là một thì mức độ khó trong trò chơi mang tên cuộc sống, thì người có rối loạn lưỡng nói riêng và các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu sẽ ở mức độ khó gấp đôi hay gấp ba.
Bạn bế tắc về điều gì?
Khi quán chiếu lại những suy nghĩ của bản thân và những chia sẻ trên mạng trong các nhóm về trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn lưỡng cực. Tôi thấy tình trạng bế tắc, cảm giác tuyệt vọng có thể phân thành 3 nhóm chính về sức khỏe, tài chính, mối quan hệ. Người đang tuyệt vọng đến cùng cực sẽ thường trực hối tiếc về quá khứ và cực kỳ lo lắng cho tương lai dẫn đến không thể bình tĩnh, tập trung cho hiện tại được.
Sức khỏe
Tôi bị rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hay rối loạn lo âu. Tôi không thể kiểm soát được những cảm xúc ấy.
Tôi đang có những thói quen xấu gây hại cho bản thân như thức khuya, ngủ nguyên ngày trên giường, lướt điện thoại liên tục để quên đi sự bế tắc, còn cả thủ dâm về đêm để có những khoái cảm nhất thời,…Với những thói quen hiện tại này, đời tôi coi như là tiêu rồi.
Tôi bắt đầu tập đi bộ, chạy bộ, đến phòng gym, ra ngoài gặp bạn bè vài lần rồi. Tôi đã cố nhưng sau đó không duy trì được thói quen. Tôi thật là kém cỏi, dễ bỏ cuộc.
Tôi mập quá do uống thuốc, thân hình nhìn muốn chán, ăn mặc thì lôi thôi. Tôi uống thuốc nên tăng cân nhưng không thể thay đổi được việc tập luyện, thể thao.
Tài chính
Tôi chưa có sự nghiệp nào cả, hơn 5,10, 20 năm qua, tôi cứ đi làm lúc hưng cảm và nghỉ lúc trầm cảm.
Tôi chẳng có nổi 50, 100 triệu trong tài khoản ở độ tuổi 30, 40 này trong khi bạn bè tôi đi xe hơi, mua nhà, lấy vợ.
Tôi “trưởng thành” về số tuổi là 20, 30 rồi nhưng vẫn ăn bám gia đình.
Tôi sẽ làm công việc gì sắm tới nhỉ, tương lai tôi sẽ ra sao?
Tôi có lo đủ tài chính khi tôi lập gia đình, về già hay khi bố mẹ, người thân đau ốm không?
Mối quan hệ
Tôi thấy mình làm ảnh hưởng nhiều đến bố mẹ và người thân quá. Tôi muốn báo đáp nhưng lực bất tòng tâm.
Tôi không có những mối quan hệ bạn bè chất lượng cả vì lúc trầm cảm tôi thu mình, tránh né và rất ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tôi sẽ có bạn gái ra sao đây? Liệu tôi có thể lập gia đình và duy trì gia đình trong tương lai hay không?
Nhiều người có thể nói những lo lắng trên của bạn là không có cơ sở, vô căn cứ nhưng sự thật đó là những lo lắng hoàn toàn thực tế và trước sau gì nó cũng đến nếu không nhanh chóng tìm ra cách vượt qua được sự bế tắc về tiền bạc, mối quan hệ, sức khỏe này.
3 chiến lược vượt qua bế tắc trong cuộc sống
Bạn hãy tham khảo một số điều sau nhé.
Chiến lược 1: Dọn dẹp tâm trí bằng cách viết ra và dọn dẹp phòng
Viết ra sẽ giúp bạn có sự rõ ràng để tránh đi những suy nghĩ nhai lại liên tục tra tấn tinh thần và thể xác của bạn. Chúng ta không nhai lại thức ăn như con trâu nhưng lại liên tục tra tấn tinh thần bằng việc nhai đi hối tiếc về quá khứ, nhai lại lo âu trong tương lai.
Bạn hãy thử viết ra những điều gì dẫn đến bạn sự bế tắc, tuyệt vọng này theo các khía cạnh như sức khỏe, tài chính, mối quan hệ ở trên hoặc bạn viết theo những vấn đề theo cách chia của bánh xe cuộc đời. Bạn có thể Google về bánh xe cuộc đời.
Dọn dẹp phòng là cách mà những ai đang trải qua trầm cảm mà tiến hành sẽ thấy một sức mạnh tuyệt vời. Sức mạnh của việc dọn dẹp phòng theo nhà tâm lý học lâm sàng người Canada Jordan Peterson đó là bạn khẳng định được bản thân trong việc tạo ra sự thay đổi với môi trường xung quanh bạn. Dọn dẹp phòng nó giúp bạn khẳng định lại trật tự trong mớ hỗn độn về quần áo, sách vở, rác vứt quanh phòng cũng như sự hỗn độn trong tâm trí.
Chiến lược 2: Đừng có quyết tâm nữa mà hãy thay đổi 3 yếu tố sau
Bạn biết rằng mình cần làm gì nhưng lại bó tay với chính hành động thực tế của bản thân. Bạn biết rằng phải dậy sớm, tập thể dục, làm việc có kế hoạch và kiên nhẫn hơn rồi mọi thứ sẽ dần ổn. Nhưng bạn vẫn dậy trễ, thức đến khuya lướt điện thoại với đầy sự lo lắng về sáng mai, cơ thể nhức mỏi vì cố nằm lại trên giường dù không còn buồn ngủ nữa.
Tôi hoàn toàn giống như bạn và đang tìm cách thay đổi. Và câu trả lời để tạo ra sự thay đổi đó là 3 yếu tố sau mà nhà kinh tế học người Nhật Bản Kenichi Ohmae có đưa ra lời khuyên với những câu hỏi khó. Đó là thay đổi về cách sử dụng thời gian, thay đổi về môi trường sống và thay đổi về những người bạn gặp. Bạn sử dụng ý chí, sự quyết tâm của bản thân là không đủ. Môi trường có tác động đến bạn mạnh mẽ hơn bạn suy nghĩ nhiều.
Thay đổi cách sử dụng thời gian bằng cách bạn có thể thực hành thói quen siêu nhỏ bằng cách thức dậy sớm hơn 1 phút/ngày thay vì ép bản thân dậy sớm lúc 5h30 trong khi bạn đang ngủ tới tận 9, 10 giờ sáng. Bạn đừng coi thường thói quen siêu nhỏ này nhé. Sau 1 tháng bạn đã thức dậy sớm hơn được 30 phút và sau 3 tháng bạn dậy sớm hơn được 1,5 giờ rồi. Điều quan trọng trong quá trình hồi phục sau trầm cảm, giai đoạn bế tắc đó là không được ép bản thân phải thay đổi quá nhanh vì khi bạn không làm được bạn càng rơi vào trạng thái tự oán trách bản thân một cách thái quá. Bạn cũng nên thêm vào một số hoạt động như đi bộ 1 phút buổi sáng, đọc 1 trang sách buổi tối để cơ thể, đầu óc dần quay lại trạng thái hiệu quả.
Thay đổi môi trường sống là việc giúp bạn thoát khỏi môi trường làm bạn mất phương hướng. Lý do chúng ta rơi vào bế tắc đó là chúng ta lặp lại những suy nghĩ, hành vi tự hủy hoại bản thân một cách liên tục. Đó chính là bằng chứng minh chứng rằng bạn thật vô dụng, bất tài, tương lai mờ mịt. Hãy thử làm khác đi bằng việc tìm đến bạn bè, cuốn sách tâm lý, một khóa học, một hoạt động từ thiện,…Điều này tôi thấy nói dễ hơn làm nếu đang rơi vào trầm cảm nặng hay tuyệt vọng đến cùng cực. Nhưng thay đổi môi trường sống là một cách cực kỳ hiệu quả.
Thay đổi người bạn gặp bằng cách tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có năng lực, kinh nghiệm. Xu hướng của những bạn bi quan, bế tắc sẽ tìm kiếm những người cùng cảnh ngộ để tìm kiếm sự đồng cảm. Điều này hoàn toàn hợp lý nhưng tránh lạm dụng vì chính các bạn ấy đang không có câu trả lời. Tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giúp bạn khai thông được những bế tắc trong suy nghĩ khiến bạn rơi vào tình trạng bế tắc này. Đôi khi một góc nhìn mới, câu chuyện từ người mà bạn xin lời khuyên sẽ giúp bạn đả thông kinh mạch. Bố tôi hay nói với tôi một câu nói rằng “Tư tưởng không thông thông vác bình tông cũng nặng”. Nếu bạn có trải qua cơn hưng cảm, trầm cảm rồi cũng sẽ hiểu sức mạnh của suy nghĩ tạo ra trạng thái cảm xúc, thể chất như thế nào.
Chiến lược 3: Dự phòng cho sự mất phương hướng trong tương lai
Tôi nghĩ rằng sự mất phương hướng, bế tắc, tuyệt vọng trong cuộc sống đến từ nguyên nhân chủ quan và cả khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là về bản thân có thể kể đến như tình trạng rối loạn lưỡng cực của bạn, tính cách, kỹ năng cuộc sống, kỹ năng công việc. Nguyên nhân khách quan về những biến động trong cuộc sống như thay đổi công việc, lên chức, gia đình có người thân bị bệnh nghiêm trọng hay qua đời,…Những yếu tố khách quan ấy có thể dự đoán được và nó sẽ nghiền nát chúng ta nếu chúng ta không sớm có sự chuẩn bị.
Hãy dự phòng bằng cách đầu tư cho sức khỏe cũng như học tập nâng cao kỹ năng để kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Với sự ổn định về tài chính sẽ giúp bạn rất nhiều khi vượt qua những sóng gió cuộc đời ở phía trước.
Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích bạn phần nào về tinh thần qua việc bạn mỉm cười, thở phào nhẹ nhõm khi đọc hết bài viết này. Nếu bài viết này bạn thấy chưa thỏa đáng và cần đào sâu hơn, tôi mong bạn dành thời gian đọc hết bài viết 7 điều cần làm khi mất phương hướng của anh Nguyễn Việt Dũng trên blog www.chienluocsong.com. Tôi viết bài viết này dựa trên trải nghiệm cá nhân cũng như bài trên của anh Dũng.
Tôi cầu chúc cho bạn sớm vượt qua được chán nản, bế tắc, tuyệt vọng càng sớm càng tốt vì chỉ những ai trải qua mới hiểu nó kinh khủng thế nào.
Tốt lên mỗi ngày cùng bạn,
Tí Thật Thà