Trầm cảm – trải nghiệm vô cùng khó diễn tả

Điều góp phần khiến người ngoài không hiểu được người trầm cảm là nó là một trải nghiệm vô cùng khó diễn tả, truyền đạt và chia sẻ.

trầm cảm,
Tôi như bị giam cầm trong chiếc chuông thủy tinh – Sylvia Plath

Trong thời gian trầm cảm của mình, John Stuart Mill, triết gia có ảnh hưởng bậc nhất của Anh, viết, “Vào lúc này, không có bất cứ một ai mà tôi cảm thấy họ hiểu được hoàn cảnh của mình.” Trầm cảm, kể cả với những bậc thầy ngôn từ, như với nhà văn William Styorn, là “gần như không mô tả được”. Nó là một cơn thủy triều độc hại “không thể được gọi tên”, một sự tra tấn xa lạ với tất cả những trải nghiệm hằng ngày, khiến người mạnh khỏe không thể hình dung nổi. Trong một cố gắng khác, Styron viết “Cái đau này gần nhất với cả việc bị chết đuối hay chết ngạt, nhưng ngay cả vậy, những hình ảnh này không phù hợp.”.

Nhà nghiên cứu hiện tượng học Matthew Ratcliffe cho rằng căn bệnh trầm cảm phá vỡ cảm giác người ta thuộc về một thế giới chung, nó thay đổi quan hệ của người trầm cảm với thực tại. Với tất cả những gì mà trầm cảm gây ra, những thay đổi trong cảm nhận thể xác, sự mất hy vọng, cảm giác tội lỗi, cảm giác bị thu nhỏ bản thể và sự chủ động (agency), những thay đổi trong cảm nhận về thời gian, sự cô lập trước thế giới, nó tạo ra một sự dịch chuyển mang tính hiện sinh.

Nhiều người khác mô tả cảm giác bị giam cầm mà không thể thoát ra. Cái chuông thủy tinh là ẩn dụ giờ đây đã rất nổi tiếng của nữ nhà văn Sylvia Plath. “Dù có trên boong tàu du lịch hay ở một cafe đường phố”, Plath viết, “tôi cứ bị giam bên trong cái chuông thủy tinh, bị chiên âm ỉ trong không khí chua như giấm của mình.”

Alvarez , một tác giả viết về trầm cảm quan trọng khác, thấy mình ở trong một thế giới đóng kín, không có không khí và không có đường ra. Từ bên trong cái bong bóng cô đơn và khổ ai, người ta quan sát cuộc sống bên ngoài vẫn đang diễn ra, và cảm thấy mình ở trong một mùa đông băng giá và khô cằn.

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, theo Ratcliffe, trầm cảm là một sự khủng hoảng của niềm tin. Không phải niềm tin mang tính tôn giáo, mà niềm tin bản năng mà chúng ta vẫn có rằng mọi việc đến rồi sẽ đi, cùng với thời gian, mọi sự sẽ thay đổi, tương lai sẽ khác. “Người ta có thể chịu đựng và sống xót qua gần như mọi thứ nếu họ nhìn thấy cái kết. Trầm cảm xảo trá ở chỗ nó khiến người ta không thể nhìn thấy điểm kết thúc. Cái đám sương mù đó là một cái chuồng không có ổ khóa.”

Chính vì vậy, nhiều người trầm cảm không thể tin được là cuộc sống của họ có thể sẽ khác đi. Sự mất hy vọng ở đây mang tính toàn diện, hiện sinh, không phải sự mất hy vọng về một điều gì cụ thể như cuối tuần trời sẽ khô ráo hay cuối năm mình sẽ được tăng lương. Khi cha của Solomon cam đoan với anh rằng giai đoạn trầm cảm rồi sẽ qua, với anh, nó cũng giống như ông đang nói là anh có thể “lắp một cái tàu vũ trụ bằng bột làm bánh bích quy và bay lên Sao Hải Vương”. Cảm giác tuyệt vọng trọn vẹn và bao trùm này là điều chính người trầm cảm không thể hiểu được.

Tốt lên mỗi ngày cùng bạn,

Những trích đoạn từ cuốn sách Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang

2 thoughts on “Trầm cảm – trải nghiệm vô cùng khó diễn tả

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *