Mục đích của thiền là để giải thoát khỏi những suy nghĩ trói buộc và nhận ra một trạng thái nhận thức sâu sắc hơn. Phần đông mọi người định nghĩa mình qua những luồng suy nghĩ mà đa phần những suy nghĩ đó là vô dụng hoặc thậm chí với nhiều người là tiêu cực.
Nhiều người thậm chí không biết rằng họ bị những luồng suy nghĩ chiếm hữu và đánh đồng bản thân với những suy nghĩ đó. Khả năng suy nghĩ là một khả năng tuyệt vời cho sự phát triển nhận thức của con người.
Nó là thứ để người ta sáng tạo, tư duy, và tạo ra những thứ mới mẻ. Nhưng đa phần người ta hay để những suy nghĩ mang tính tiêu cực bị quan hay không mang mục đích hữu dụng nào cả. Sự giải thoát khỏi những luồng suy nghĩ tiêu cực trói buộc này là rất quan trọng, và thiền là một trong nhiều cách để giúp ta thoát khỏi những luồng suy nghĩ đó.
Thiền có nghĩa là bạn mỗi ngày dành chút thời gian để ngồi tĩnh lặng, thường là nhắm mắt lại và hướng sự chú ý và một đề mục thiền nào đó, ví dụ như một bài chú mantra, một từ hay một câu nào đó được lặp đi lặp lại liên tục hoặc ta có thể hướng sự chú ý vào hơi thở.
Đó là một phương pháp lâu đời đã được Đức Phật khuyến khích thực hiện lúc sinh thời. Người ta cũng có thể hướng sự tập trung vào một vật gì đó, ví dụ một vật hay hình ảnh mà ta tưởng tượng trong đầu hay một vật ở bên ngoài như một ngọn lửa của ngọn nến hay một bông hoa. Đó là những cách thiền để trước hết giúp chúng ta giảm các suy nghĩ không cần thiết và hướng sự chú ý tới chỉ một vật mà thôi, ví dụ như chỉ tập trung vào hơi thở.
Một kiểu thiền khác nữa là việc đếm, người ta đếm trong lúc hút thở, ví dụ như đếm đến 10 lúc hít vào, hít vào 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 hoặc có thể ít hơn, rồi lại đếm ngược lại 10 9 8 7 6…để hướng sự chú ý vào một điểm. Cách tập trung vào đếm, vào hơi thở hay quan sát một vật gì đó hoặc cách lặp lại các mantra là để bắt đầu kiểm soát những thứ đang diễn ra trong nhận sự nhận thức. Nhưng đó chỉ là những phương pháp hỗ trợ giúp ta đạt đến mục đích. Thiền bắt đầu chỉ khi người ta buông bỏ luôn cả những phương pháp hỗ trợ này, và đó chính là bước tiếp theo.
Nhiều người đã thiền nhiều năm, nhưng họ không vượt ra khỏi những kỹ thuật thiền. Nếu tôi muốn thiền thành công hiệu quả tôi phải buông bỏ ý nghĩ rằng với việc thiền tôi có thể đạt được một kết quả, một mục đích nào đó. Đó có lẽ là trở ngại lớn nhất của những hành giả: Suy nghĩ rằng nhờ thiền mà sẽ phải có một đích đến mà họ phải đạt được, ví dụ như một khả năng nhận thức khác.
Như thế là họ đã tạo ra một mục đích nằm thì tương lai, tôi muốn đạt đến trình độ nhận thức như thế này hay thế kia. Và bởi vì họ đã tạo ra một đích đến ở thì tương lai, họ không thể thâm nhập sâu vào thực tại đang diễn ra.
Việc thiền là để thâm nhập vào một chiều kích ẩn sâu hơn của hiện tại, những thứ khác chỉ là công cụ hướng tới mục đích. Bản thân tôi hầu như không cần đến những công cụ hỗ trợ, tôi khuyến kích bạn trực tiếp cảm nhận về chiều không gian ý thức bên trong bạn. Những cái khác chỉ là nhận thức về đồ vật, là kiểu nhận thức đại diện, là những suy nghĩ, những cảm nhận của giác quan. Nhận thức đại diện này tất nhiên mang ý nghĩa của riêng nó, chúng ta không thể có cuộc sống bình thường mà không có nó.
Nhưng chúng ta phải nhận ra rằng có một chiều không gian khác hiện hữu sâu trong bản thể của chúng ta, để giúp chúng ta có cuộc sống đầy đủ viên mãn hơn. Chúng ta cần phải nhận ra chiều không gian tiềm ẩn này hoặc nói cách khác là chiều không gian ý thức.
Thiền là để giúp bạn nhận ra chiều không gian ý thức bên trong này của bạn. Điều này chỉ diễn ra khi bạn có thể buông bỏ những phương tiện hỗ trợ thiền sau một khoảng thời gian thực hành. Ví dụ bạn dùng một bài chú mantra, một suy nghĩa hay một thứ gì đó để hỗ trợ thiền, và điều đó cũng tốt thôi, nó giúp bạn thư giãn và giảm bớt các suy nghĩ mông lung trong thời gian đầu.
Nhưng thiền thật sự diễn ra khi bạn buông bỏ những kỹ thuật thiền hỗ trợ đó và rồi đột nhiên nhận ra một chiều không gian bên trong bạn, cả những hình ảnh hay những lời chú mantra bạn cũng buông bỏ hết, cả âm thanh, khi một tiếng động vang lên và kết thúc thì chỉ còn lại sự tĩnh lặng, một sự nhận thức hay cái đang nhân biết là ở lại.
Còn có một kiểu thiền theo phương pháp thiền nhật bản Zen mà không cần đến phương thức hỗ trợ. Họ ngồi yên và nhắm mắt lại và nhận biết những điều xuất hiện hay khởi lên xung quanh. Đối với tôi thứ còn quan trọng hơn cả, là việc chánh niệm, nhận thức về những gì diễn ra trong khoảnh khắc hiện tại của cuộc sống hàng ngày.
Cho dù có điều gì xảy ra thì bạn cũng tận dụng những cảm nhận khoảnh khắc hiện tại. Mỗi thiền không là chưa đủ. Người ta có thể thực hành thiền định mỗi ngày trong nhiều năm, mà không phát triển được khả năng sống chánh niệm trong cuộc sống thường nhật. Đối với tôi thì việc thực hành tâm linh quan trọng nhất chính là chánh niệm trong đời sống hàng ngày.
Tôi khuyến khích các bạn thường xuyên thực hành thiền ngắn, một cách thiền mà tôi thấy vô cùng hữu dụng. Tôi gọi cách thiền này là một hơi thở có ý thức (one consciousness breath). Đây là một kiểu thiền vô cùng ngắn mà các bạn có thể thực hành được nhiều lần trong ngày, nó có thể sẽ hữu ích hơn cả việc mỗi ngày bạn dành ra nửa tiếng hay một tiếng để ngồi thiền theo kiểu thông thường.
Vậy kiểu thiền vô cùng ngắn này là như thế nào? Chúng ta hít vào rồi thở ra, và chúng ta ghi nhận, quan sát đầy đủ trong chánh niệm suốt cả quá trình hít thở của một hơi thở này. Quan sát trong chánh niệm nghĩa là như thế nào? Điều đó có nghĩa là chúng ta tập trung hoàn toàn vào quá trình hít vào. Hít sâu, cảm nhận không khí đi vào cơ thể. Và tiếp tục, chúng ta lại tập trung hoàn toàn để ghi nhận toàn bộ quá trình thở ra, cho đến khi ta đã thở hết ra.
Đây là cách thiền cực ngắn và bạn có thể thực hành nó mọi lúc mọi nơi. Và có thể tăng thành hai hay ba hơi thở. Điều gì xảy ra khi chúng ta thực hành phương pháp này. Một khoảng không gian không còn những suy nghĩ mở ra trong khoảng thời gian này, đó là chiều không gian ý thức.
Khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta mất nhận thức về hơi thở. Người ta chỉ có thể hoặc là nhận thức về hơi thở, hoặc là nhận thức về suy nghĩ. Đó chính là điều thú vị đáng ngạc nhiên của thiền hơi thở có ý thức. Tôi hít vào, và tôi thở ra, là xong một lần thiền ngắn.
Hơi thở là một thứ gì đó rất kỳ lạ, nó không mang hình dạng cụ thể nào, nó rất phù hợp để giúp ta nhận ra chiều kích không gian vô hình của nhận thức. Tôi chắc rằng từ hơi thở trong tiếng Đức Atem có nguồn gốc từ tiếng Phạn Atman. Atman – hơi thở trong tiếng Phạn – có nghĩa là “sự thần thánh bên trong bạn”. Thật kỳ lạ là có nhiều từ ngữ trong các ngôn ngữ Châu Âu bắt nguồn từ tiếng Phạn. Từ hơi thở trong tiếng Đức Atem bởi vậy có thể có liên quan đến từ Atman trong tiếng Phạn, chiều không gian sâu thẳm bên trong bản thể của bạn.
Hơi thở rất hữu hiệu để giúp chúng ta chánh niệm hơn. Cách thiền rất ngắn này bạn có thể thực hành mọi lúc mọi nơi, ví dụ như bạn đang trong ô tô đợi đèn đỏ, tại sao không thử hít một hay hai hơi thở trong chánh niệm. Nhưng đừng có mong cầu quá, đừng có kiểu như nghĩ “bây giờ tôi sẽ thực hành hơi thở có ý thứ” mà lúc đó bạn chỉ cần hướng sự nhận biết luôn vào hơi thở đang diễn ra ngay lúc đó. Cách thực hành thiền chưa đúng đó là có niềm tin rằng phải làm việc gì đó để đạt được thứ gì đó.
Để tôi ví dụ luôn cho dễ hiểu, giả sự tôi đang lái ô tô và dừng lại trức đèn đỏ, tôi nghĩ “bây giờ mình phải hít thở có ý thức” và liền cố gắng hít thở thật chậm và sâu, như thế là tôi đang phải cố gắng nỗ lực, bạn cảm thấy đó là việc mà bạn PHẢI làm, nhưng đó lại không phải trải nghiệm mà phương pháp này muốn mang lại.
Nó cũng không đúng nếu bạn phải đặt lịch trong điện thoại, 4h30 thực hành hơi thở có ý thức, đó trở thành một việc mà bạn buộc PHẢI làm. Thiền có nghĩa là việc TRỞ NÊN CÓ Ý THỨC VỀ SỰ HIỆN HỮU, đó không phải là một hành động.
Đó có lẽ là điều rất quan trọng chúng ta cần thoát khỏi suy nghĩ này. Thiền không phải là một hành động mà bạn cần phải làm. Có nhiều người mặc dù đã thiền nhiều năm vẫn hay mắc phải sai lầm này với niềm tin rằng họ phải làm hay hành động việc gì đó để tạo ra thứ gì đó mà chưa có ở đó.
Và đó lại là điều ngược lại với thiền thực sự. Trở lại với vấn đề hơi thở, đó là trở nên ý thức về việc tôi đang thở chứ không phải là lúc đó phải chuẩn bị hay cố gắng để thở, vì tôi đã luôn thở sẵn rồi, hơi thở đã luôn hiện hữu ở đó, tôi chỉ cần trở nên có ý thức về việc mình đang thở.
Bạn không cần phải cố gắng hoặc ép buộc bản thân, đó không phải là một hành động mà là trở nên nhận biết về thứ đã luôn có sẵn ở đó. Thiền không phải là bạn cần làm việc gì để mong muốn đạt được kết quả nào đó, mong cầu chính là một trở ngại của thiền.
Đừng nghĩ rằng bạn thông qua thiền để đạt đến một trạng thái nào đó khác, mà là sự nhận ra thứ gì đã luôn sẵn có ở đó bên trong bạn. Hãy nhớ, thiền không phải là sự nỗ lực ý chí mà là hướng sự tập trung đến thứ mà đã luôn hiệu hữu ở đó.
Bởi hơi thở không có hình tướng nên khi chúng ta nhận biết về hơi thở, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi cùng lúc đó nhận biết luôn về chính SỰ NHẬN BIẾT (thứ đang quan sát và ý thức về hơi thở), đó cũng là thứ không có hình tướng.
Sau đó, thì ngay cả hơi thở cũng không còn cần thiết là đối tượng để thiền nữa bởi bạn đã nhận ra chính SỰ NHẬN BIẾT (hay còn gọi là TÂM BIẾT, TÂM GIÁC) của mình, và đó mới chính là thiền thực sự. Thiền thực sự là lúc bạn nhận ra mình chính là TÂM BIẾT và trực tiếp biết rằng bạn đang chánh niệm. Nói cách khác bạn là thứ đang NHẬN BIẾT. Nhận ra TÂM GIÁC, TÂM BIẾT không phải là một sự vật mà đó chính là bạn, một chủ thể vĩnh hằng.
Về Eckhart Tolle
Eckhart Tolle là nhà tâm linh nổi tiếng, sinh ra và lớn lên tại Đức, và sau đó ông đã du học tại Đại học Cambridge và London nước Anh. Ông trải nghiệm thức tỉnh lúc 29 tuổi. Điều đó đã thay đổi nhận thức và cuộc sống của ông hoàn toàn. Hiện nay ông đang sinh sống ở Canada và là tác giả của nhiều cuốn sách tâm linh.
Tí Thật Thà biên tập lại từ video Eckhart Tolle Vietsub/thuyết minh/cảm nhận sức mạnh hiện tại/Hít thở bụng có ý thức/chánh niệm.