10 bài học Rối loạn lưỡng cực dạy tôi sau hơn 10 năm

Rối loạn lưỡng cực đã thay đổi cuộc sống của tôi theo một hướng khác hoàn toàn mà tôi đã từng nghĩ. Dưới đây là 10 bài học, tôi phần nào rút ra để tiến bước về phía trước.

Thay đổi góc nhìn về cuộc sống

Ai trong cuộc sống đều mưu cầu sự giàu có, hạnh phúc và sức khỏe. Tôi cũng như vậy, với mong muốn phải giàu có để có được sự ngưỡng mộ. Nhưng rồi Rối loạn lưỡng cực làm đảo lộn mọi thứ buộc tôi phải dừng lại và tự đi tìm định nghĩa riêng về sức khỏe, hạnh phúc, và giàu có cho cá nhân thay vì theo chuẩn mực chung của xã hội đã đề ra những thành tích tương xứng với các mốc cuộc đời.

Nếu tôi không thay đổi góc nhìn, tôi sẽ luôn tự trách bản thân là kẻ bất tài, vô dụng và vô tình triệt tiêu đi nguồn năng lượng sống, thời gian của tôi.

Tôi chọn cách phải tự tìm ra những ý nghĩa phù hợp trong cuộc sống này.

Biết chấp nhận những giới hạn của bản thân

Tôi từng bị “ngộ độc” những cuốn sách phát triển bản thân (self-help) hay những diễn giả truyền cảm hứng với diễn ngôn “Tiềm năng của bạn là vô hạn”. Sự yếu ớt về mặt tư duy lúc ấy cộng thêm lỗi tư duy trắng đen khiến tôi lên án bản thân không thương tiếc khi thất bại trong việc đạt mục tiêu.

Thông qua Rối loạn lưỡng cực, tôi nhìn nhận có khả năng mình là người nhạy cảm cao (HSP) khi tôi luôn quá tải trong việc xử lý thông tin, tôi cần không gian làm việc yên tĩnh, tập trung thay vì cứ phải liên tục kiểm tra messenger, zalo liên tục để cập nhật thông tin nhóm hay trả lời khách hàng.

Tôi dần biết chấp nhận những giới hạn của bản thân và phát triển hết khả năng mình vốn có.

Học cách kết nối và yêu thương bản thân

Rối loạn lưỡng cực đã “hủy hoại” đi giấc mơ về con-người-cần-trở-thành của tôi là giàu có, du học, chức vụ cao, thu nhập tốt, đưa bố mẹ đi du lịch, có vợ xinh đẹp, đi du lịch nước ngoài,…Khi “giấc mơ quốc dân” này bị tan vỡ hay gián đoạn bởi “kẻ ấy”. Tôi trở nên chán ghét, căm thù con người hiện tại đang sống phụ thuộc vào gia đình, thất nghiệp, sống trong trầm cảm, né tránh tiếp xúc xã hội,…(Nghĩ lại thật buồn cười, tôi căm thù bản thân vì một giấc mơ không phải của chính tôi mà chính xã hội áp đặt lên)

Rối loạn lưỡng cực như một tay quyền anh hạng nặng sẵn sàng hạ đo ván nếu tôi cứ tiếp tục hướng về mục tiêu của người khác, của xã hội đặt lên tôi mà né tránh di những gì ẩn sâu bên trong đang không ngừng lên tiếng.

Tôi cho mình thêm nhiều thời gian để sống chân thực hơn với bản thân.

Luôn luôn chánh niệm, tỉnh thức theo dõi suy nghĩ, cảm xúc

Chánh niệm là công cụ dự báo hiệu quả những chu kì cảm xúc để tôi thực hiện những điều chỉnh kịp thời. Thực hành quan sát suy nghĩ, cảm xúc, hành vi giúp tôi dần điều chỉnh những lỗi trong suy nghĩ cũng như hiểu rõ và chấp nhận bản thân hơn.

Tôi nghĩ việc thực hành theo dõi bản thân sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta có mục tiêu, kế hoạch làm việc cụ thể. Những lúc ấy, não bộ sẽ bớt phân tâm hơn. Tôi không thể nào chánh niệm nếu ôm đồm quá nhiều việc.

Tôi lựa chọn giảm bớt những mong muốn mâu thuẫn nhau, cho mình thêm thời gian để thực hiện công việc và tăng cường sự chú tâm trong bất kì việc mình làm.

Tuân thủ việc điều trị bằng thuốc và thói quen sinh hoạt

Để tránh tái phát, việc tuân thủ điều trị bằng thuốc và có thói quen sinh hoạt điều độ rất quan trọng. Những trải nghiệm trong quá khứ cho tôi biết rằng, sự thay đổi trong giấc ngủ từ 8-9 tiếng giảm xuống còn 3-5 tiếng chính là dấu hiệu cảnh báo cơn hưng cảm.

Tuân thủ điều trị bằng thuốc giúp tôi có được sự bảo vệ cần thiết.

Việc nói “Không” sẽ là cần thiết để từ chối uống quá nhiều rượu bia hay tham gia những cuộc gặp không cần thiết.

Tôi tin tưởng việc điều trị của tôi và tuân thủ để có được kết quả tốt nhất.

Điều chỉnh lại những lỗi trong nhận thức

Tôi nhận thấy những lỗi trong tư duy ảnh hưởng nhiều đến cách tôi cảm nhận một sự việc. Tư duy được ăn cả ngã về không như “Người khác giỏi hơn tôi có nghĩa là tôi dở” càng khiến tôi mất đi nỗ lực để phát triển bản thân.

Tư duy khái quát hóa quá mức như “Tôi là kẻ thất bại, tập thể nào có tôi là sẽ thất bại” khiến tôi không đánh giá khách quan hiện tại và nghĩ rằng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự thành bại của một tập thể.

Việc nhận thức được những lỗi trong tư duy ấy giúp tôi giảm đi được những căng thẳng không đáng có. Nhưng để chuyển hóa dần các suy nghĩ ấy, tôi cần liên tục thực tập chánh niệm và điều chỉnh lại những suy nghĩ tự động bị kích hoạt bởi những lỗi tư duy.

Tôi thực tập chánh niệm và điều chỉnh những lỗi sai trong nhận thức.

Trân trọng gia đình và những người bạn

Khi trải qua nhiều cơn hưng trầm cảm cùng với việc tôi dần lớn hơn (già hơn), những mối quan hệ ngày càng thu hẹp lại.

Gia đình đặc biệt là bố mẹ, họ là những người luôn cảm thông cho tình trạng sức khỏe tinh thần của tôi. Chính gia đình cũng là sợi dây níu kéo tôi khỏi những quyết định có thể gây hại cho bản thân.

Những người bạn chơi thận với tôi, họ luôn nhắn tin khi phát hiện tôi ngừng cập nhật trên facebook sau một khoảng thời gian. Những sự hỏi han ấy giúp tôi nhận ra mình vẫn còn giá trị.

Tôi trân trọng những người đã thấu hiểu, quan tâm đến tôi dù chỉ là những tin nhắn hỏi thăm.

Quản lý những rủi ro trong tương lai khi tái phát

Tôi hay dùng hình ảnh ẩn dụ Rối loạn lưỡng cực như là Triều Tiên sát ngay Hàn Quốc là chính tôi. Rối loạn lưỡng cực sẽ luôn tìm cách tấn công tôi những lúc tôi mất cảnh giác khi sức khỏe yếu, sử dụng chất kích thích, làm việc căng thẳng, rối loạn giấc ngủ,…

Tôi quyết định sử dụng thuốc cũng như cách Hàn Quốc tìm viện trợ từ đồng minh là Mỹ để tôi có nhiều thời gian hòa bình để xây dựng nội lực về kiến thức bệnh, kỹ năng ứng phó, kỹ năng nghề nghiệp,…

Tôi đang xây dựng một hệ thống hành động để phát hiện những dấu hiệu sớm của cơn hưng cảm hay trầm cảm.

Tận hưởng những chiến thắng nhỏ

Quá trình hồi phục sau những cơn trầm cảm sẽ luôn là thách thức. Tôi bị choáng ngợp với những thứ cần làm, cần học để có thể làm việc như bao người bình thường khác. Tôi chọn một môi trường vừa phải để phù hợp với năng lực của bản thân.

Viết blog cũng là một dự án cá nhân để tôi bắt đầu việc đặt mục tiêu, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch từng bước một. Tận hưởng những chiến thắng nhỏ sẽ giúp bạn không bị choáng ngợp bởi những mục tiêu quá dài hạn.

Tôi học cách ghi nhận và tận hưởng những chiến thắng nhỏ mỗi ngày.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Tôi rất ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ y như tính cách của cha tôi. Tôi nghĩ rằng bản thân phải nỗ lực, có tinh thần trách nhiệm với việc của mình. Tôi có một suy nghĩ sai lầm nữa “Chỉ có kẻ yếu mới tìm kiếm sự giúp đỡ, kẻ mạnh tự mình giải quyết được”.

Nhận thức trên quả là sai lầm, ấu trĩ. Từ lúc sinh ra tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ, ông bà, những người họ hàng cho quá trình trưởng thành.

Tôi học cách tìm kiếm, nhận sự giúp đỡ từ người khác

Bạn hãy chia sẻ những bài học bạn đúc kết được trong suốt hành trình sống chung với rối loạn lưỡng cực qua email hoặc phần bình luận bên dưới.

Yêu thương và bình an,

2 thoughts on “10 bài học Rối loạn lưỡng cực dạy tôi sau hơn 10 năm

  1. Cảm ơn bạn vì chia sẻ này.
    Sau thời gian tránh móc bản thân quá nhiều, mình dần chấp nhận bản thân để vượt qua những khó khăn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *