4 lý do khiến mình uống thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực

person holding blister pack
Thuốc Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Photo by Polina Tankilevitch on Pexels.com

Mình có rối loạn lưỡng cực loại 2 và chưa bao giờ phải nhập viện vì chứng hưng cảm của bản thân trong hơn 10 năm. Mình cũng uống thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực được 2-3 lần kéo dài khoảng 3-6 tháng từng đợt. Nhưng mình đều dừng vì thấy mình uể oải, chậm chạp mà còn tăng đến 10 kg! Chắc hẳn vấn đề cân nặng là thách thức lớn đối với cả nam và nữ khi sử dụng thuốc.

Với những người bạn rối loạn lưỡng cực mình biết trực tiếp hay có quen qua các nhóm Facebook, việc quyết định uống thuốc và tuân thủ điều trị là điều tưởng chừng đơn giản nhưng nó không dễ dàng như các bệnh khác như mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường.

Những bạn rối loạn lưỡng cực loại 2 sẽ thường từ chối việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực vì cơn hưng cảm nhẹ (hypomania) không dẫn đến nhập viện như cơn hưng cảm nặng của rối loạn lưỡng cực 1. Chính nỗi ám ảnh phải nhập viện khiến các bạn rối loạn lưỡng cực 1 rất kiên quyết, tuân thủ trong việc uống thuốc.

Xem thêm: Rối loạn lưỡng cực – Không đơn giản như bạn từng nghĩ!

Mình chỉ bắt đầu uống thuốc gần đây với những lý do sau

  • Cái giá mình phải trả cho rối loạn lưỡng cực trong hơn 10 năm qua là quá lớn từ công việc, mối quan hệ, tài chính, gia đình. Nếu không kiểm soát tốt, tương lai nhiều khả năng là áp lực, bế tắc, dồn nén chứ không phải là phép màu trúng Vietlot sẽ hóa giải mọi nỗi sầu của mình. 😊
  • Mình có thông tin đầy đủ hơn về các mô hình lý trải bệnh Trầm cảm qua cuốn sách Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang. Tuy tác giả không phải người thuộc về chuyên ngành tâm thần, nhưng hành trình hơn 2 năm trò chuyện trực tiếp với những người trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và việc nghiên cứu rất nhiều tài liệu tham khảo của tác giả đã giúp mình có quyết định chấp nhận mình có bệnh và điều trị. Nếu bạn đang thực sự băn khoăn về việc có uống thuốc hay không, mình chân thành mong bạn hãy dành chút thời gian đọc cuốn sách Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang nhé.
  • Mình chứng kiến một người bạn mình gặp vào tháng 06/2022 có những biểu hiện tích cực, lạc quan sau cơn trầm cảm kéo dài 6 tháng. Bạn ấy có thể nhận ra những dấu hiệu tích cực, lạc quan ấy là hưng cảm giai đoạn đầu và tự tin kiểm soát được. Nhưng thực tế, khi vào facebook bạn ấy vào tháng 08/2022, mình thấy lo lắng cho bạn ấy khi những bài đăng liên tục thể hiện sự ảo tưởng, loạn thần. Đây là lần đầu, mình chứng kiến những hành động khi ở pha hưng cảm của người khác. Mình nghĩ rằng mình cần hành động, vì cơn hưng cảm nó đến một cách từ từ nhẹ nhàng và khiến ngay cả người có kinh nghiệm nhất cũng dễ bị mất cảnh giác và nó sẽ chiếm quyền kiểm soát bạn.

Việc quản lý những tác dụng phụ của thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực như tăng cân, mệt mỏi, buồn ngủ,…sẽ dễ dàng hơn việc “quản lý” căn bệnh. 😊

Trước đây, mình từng từ chối uống thuốc với những thông tin thiếu kiểm chứng từ những “chuyên gia” trên mạng hay nỗ lực tìm cách chữa lành khác như yoga, khí công, chạy bộ, bấm huyệt, thiền,…

  • Thuốc sẽ khiến mình suy giảm trí nhớ, béo phì, tim mạch, suy gan,…thì lúc đó lại tốn kém thêm.
  • Rối loạn lưỡng cực đến từ việc mình là con người quá yếu đuối, nhạy cảm, né tránh cuộc sống.
  • Tâm lý sợ phải uống thuốc suốt đời.
  • Mình nghĩ rằng với sức mạnh ý chí, nỗ lực tôi sẽ vượt qua được trầm cảm vì mình đã từng rất khỏe khoắn, năng lượng lúc hưng cảm mà! Nhưng kết quả là…

Nếu bạn là người có rối loạn lưỡng cực đang đọc được bài viết này, hãy trang bị thêm thông tin về rối loạn lưỡng cực và cân nhắc việc sử dụng thuốc để hỗ trợ điều trị nhé.

Nếu bạn có người nhà bị rối loạn lưỡng cực và đang từ chối điều trị thuốc, hãy gửi bài viết này cho bạn ấy vì dù mẹ tôi có khuyên tôi uống thuốc cả 100 lần nhưng chính mình là người quyết định uống thuốc sau khi có đủ nhận thức, trải nghiệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *