Trong Chiến tranh Thế giới II, trong các bệnh viện dã chiến của quân đội Mỹ chật kín thương binh. Vì thời tiết nóng nực, bị muỗi và côn trùng đốt, trong tình trạng thiếu thuốc men khiến tỷ lệ nhiễm trùng và tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật tăng cao, các thương binh đều sa sút tinh thần.
Lúc này, có một bác sĩ đã mở những bản nhạc mà mọi người yêu thích. Những thương binh sau khi nghe nhạc thì tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong đều giảm nhiều, và thời gian lành vết thương sau phẫu thuật ngoại khoa cũng rút ngắn rõ rệt. Từ đó người Mỹ đã phát hiện ra âm nhạc có tác dụng chữa trị bệnh và thương tật.
Chu Chấn Hanh, một danh y thời nhà Nguyên đã từng chỉ rõ rằng: “Nhạc cũng là thuốc”. Trong chữ Hán thì chữ Nhạc 樂 (âm nhạc), Dược 藥 (thuốc) và Liệu 療 (chữa trị) có cùng nguồn gốc, hình chữ của chúng trong chữ giáp cốt khá giống nhau.
Những ghi chép trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc về âm nhạc trị bệnh, như trong sách “Lã Thị xuân thu – Cổ nhạc thiên” có viết: “Xưa bắt đầu từ thời Đào Đường thị (một bộ lạc thời thượng cổ), khí âm nhiều, trì trệ mà trầm lắng, đường thủy ứ tắc, không vận hành được như ban đầu, khí của người dân u uất ứ đọng, gân cốt teo tóp không phát triển, do đó đã chế ra nhạc để đạo dẫn…
Hoàng Đế lại lệnh cho Linh Luân và Vinh Tương đúc 12 chiếc chuông để điều hòa ngũ âm và diễn tấu nhạc tốt đẹp”. Đó là ghi chép về việc dùng vũ nhạc để điều tiết chứng bệnh gân cốt teo tóp do khí u uất ứ đọng gây ra.
Trong sách “Thuyết uyển” có ghi chép câu chuyện 5000 năm trước, bộ lạc nguyên thủy Miêu Phụ dùng nhạc khí chế từ ống trúc để chữa trị bệnh cho người bệnh. Thi nhân Bạch Cư Dị đời Đường cũng có câu thơ về điều trị bệnh tật rằng: “Nhất thanh lai nhĩ lý, vạn sự ly tâm trung” (Một âm thanh lọt vào tai, vạn sự rời khỏi tâm).
Nguyên lý âm nhạc trị bệnh
Người xưa nói: “Trị bệnh phải tìm đến gốc”. Gốc là chỉ âm dương. Âm dương là quy luật trong vũ trụ, là nguồn gốc của hết thảy sự vật, là khởi nguồn của vạn vật, cũng là động lực căn bản của vạn vật sinh trưởng và tiêu vong trong thiên nhiên.
“Lã Thị xuân thu – Đại nhạc” có ghi chép rằng: “Âm nhạc có cội nguồn xa xôi. Nó sinh ra từ đo lường, có gốc ở Thái nhất (tức Đạo). Thái nhất sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra âm dương… Nhạc là sự hòa hợp của trời đất, là sự điều hòa của âm dương”. Có thể thấy, âm nhạc có nguồn gốc từ Thái nhất, do âm dương biến hóa mà ra, nó đối ứng với ngũ hành của trời, ứng với ngũ quý (5 mùa) của đất, ứng với ngũ tạng của con người.
Âm nhạc là vận dụng trật tự âm thanh có quy luật bên ngoài để điều hòa sự hài hòa âm dương của cơ thể con người, đạt được cân bằng âm dương, thuận ứng với trạng thái Thiên – Nhân hợp nhất của tự nhiên.
“Hoàng Đế nội kinh – Tố vấn” có viết: “Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng”. Người xưa đã thấy được ngũ âm đối ứng với ngũ tạng: Can – Giốc; Tâm –Chủy; Tỳ – Cung; Phế– Thương; Thận – Vũ.
Giữa ngũ âm này có ảnh hưởng lẫn nhau, dùng để điều tiết sự thịnh suy của tinh khí ngũ tạng của cơ thể con người.
Ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ tức là Fa Sol La Do Re trong âm nhạc phương Tây. Âm nhạc điệu Cung thì bình ổn nhu hòa, đối ứng với tạng Tỳ của con người. Âm nhạc điệu Thương thì gấp gáp trong giòn, đối ứng với tạng Phế của con người. Âm nhạc điệu Giốc thì cao thanh thoát du dương, đối ứng với tạng Can của con người. Âm nhạc điệu Chủy thì nhiệt tình hăng hái, đối ứng với tạng Tâm của con người. Âm nhạc điệu Vũ thì nhẹ nhàng khoan thai, đối ứng với tạng Thận của con người.
Trong quá trình lắng nghe, tình cảm và tâm trạng và ngũ tạng của con người rung động có quy luật với tần số tiết tấu khúc nhạc, do đó có thể đạt được tác dụng điều tiết tinh thần và thông kinh lạc của con người, từ đó có tác dụng chữa bệnh, khỏe người.
Âm nhạc thuần chính và trang nhã quy chính nhân tâm
Khúc cổ cẩm “Dương xuân bạch tuyết” của Sư Khoáng, nhạc sư nổi tiếng thời Xuân Thu, tương truyền đây vốn là khúc nhạc ngũ huyền cầm mà Thiên Đế sai cá Tiên Tử diễn tấu, Sư Khoáng sau khi nghe được đã phỏng theo ghi chép lại. Theo ghi chép của sách nhạc phổ cổ cầm “Thần kỳ mật phổ”, khúc “Dương xuân” là điệu Cung, khúc “Bạch tuyết” là điệu Thương. Âm nhạc điệu Cung thường khá ung dung rộng lớn. Âm nhạc điệu Thương thì trong nhu có cương, sẽ mang theo khí chất vừa trữ tình hòa thuận lại chính trực, cương nghị. Khúc “Dương xuân” lấy ý là khí dương của mùa xuân, vạn vật biết mùa xuân, gió hòa nhè nhẹ, biểu đạt ân trạch vô tư, ban bố khắp nơi của Thượng Thiên đối với vạn vật. Còn khúc “Bạch tuyết” là lấy ý khí âm của mùa đông tuyết trắng lung linh cành trúc, cao khiết trang nghiêm, biểu đạt đức dày của Đất mang chở vạn vật. Chỉ có người có cùng đức với Trời Đất thì mới có thể diễn tấu được, thế nên người có thể thích ứng hòa tấu khúc nhạc này thì vô cùng ít ỏi.
Trong “Nhạc ký” có ghi chép: “Nhạc là vui vẻ, đàn cầm đàn sắt làm tâm vui vẻ, cảm ứng vật sau đó tác động, thẩm định thưởng thức âm nhạc có thể tu đức. Nhạc dùng để trị sửa cái tâm, bình hòa khí huyết”. Đoạn văn này nói về việc dùng âm nhạc để quy phạm đạo đức con người, nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo, đạt được khí huyết điều hòa.
Thế nên các Thánh vương cổ đại sáng chế lễ nghi và âm nhạc hoàn toàn không phải là để thỏa mãn ham muốn của cái miệng, tai, và mắt, mà là tẩy rửa tà ác, bài trừ tạp niệm dơ bẩn trong tâm dân chúng, khơi dậy bản tính lương thiện nguyên sơ tồn tại trong nội tâm con người, từ đó quay trở về với chính Đạo làm người. Vì những dục vọng mới luôn xuất hiện theo sau sự xuất hiện của điều kiện vật chất mới,mà ngoại vật thì không thể nào làm phong phú nội tâm được.
Âm nhạc thấp kém ủy mị phóng túng dục vọng
Thiên “Nhạc thư” trong sách “Sử ký” có ghi chép rằng: Khi Linh Công đến thăm viếng Tấn Bình Công, lúc nửa đêm, ở thượng du sông Bộc, Linh Công nghe thấy tiếng đàn, liền sai Sư Quyên học khúc nhạc này. Sau khi đến nước Tấn, Sư Quyên đã gảy khúc nhạc này cho Tấn Bình Công nghe. Sư Khoáng ấn tay xuống dây đàn ngăn Sư Quyên và nói: “Đây là âm nhạc vong quốc, không được diễn tấu tiếp nữa. Khúc nhạc này là âm nhạc ủy mị do Sư Diên diễn tấu cho Trụ Vương nghe. Sau khi Võ Vương chinh phạt Trụ Vương, Sư Diên chạy về phía Đông, rồi tự lao mình xuống sông Bộc. Quốc gia nào nghe khúc nhạc này thì sẽ bị suy yếu”.
Tấn Bình Công không những kiên quyết muốn nghe tiếp, mà còn lệnh cho Sư Khoáng chơi khúc nhạc bi thương hơn khúc nhạc này. Sư Khoáng khuyên Tấn Bình Công chớ nghe những khúc nhạc bi thương. Tấn Bình Công khăng khăng muốn nghe. Sư Khoáng tấu khúc nhạc bi thương lượt thứ nhất, có 16 con thiên nga đen tụ tập trước cửa sảnh, tấu lượt thứ hai, thiên nga đen vươn cổ hót và xòe cánh múa. Tấn Bình Công cảm thấy rất thú vị, nên còn muốn nghe khúc nhạc bi thương hơn nữa, lệnh cho Sư Khoáng lại tấu nhạc nữa. Sư Khoáng lại khu yên Tấn Bình Công chớ nghe loại nhạc đó, nhưng Tấn Bình cho rằng ông tuổi tác đã cao rồi, nghe những khúc nhạc ông yêu thích cũng không sao. Sư Khoáng đành diễn tấu bản nhạc bi thương hơn nữa. Lúc này mây đen từ chân trời phía Tây Bắc nổi lên, gió lớn kèm mưa to đổ xuống. Gió lớn thổi bay hết ngói trên mái nhà, tân khách xung quanh đều chạy trốn lánh nạn. Tấn Bình Công cảm thấy vô cùng kinh sợ, bò vào trong nhà. Sau đó, nước Tấn xảy ra hạn hán nặng, ba năm cỏ cũng không mọc được.
Âm nhạc thuần chính trang nhã, nhỏ thì có thể nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo con người, nuôi dưỡng chí hướng cao xa, tu thân dưỡng tính, kéo dài tuổi thọ, lớn thì có thể trị sửa quốc gia, giáo hóa dân chúng, quốc thái dân an, ngũ cốc bội thu. Còn âm nhạc loạn thế thấp kém ủy mị, dục vọng mãnh liệt, khiến tình cảm và chí hướng con người tán loạn, sa sút, phóng túng dục vọng, tổn hại thân thể, bại hoại quốc gia. Ví như nhạc Rock ngày nay là âm nhạc ầm ĩ và ủy mị, suy đồi, nghe loại nhạc này, con người sẽ buông thả dục vọng, khiến sinh mệnh bị dục vọng làm chủ. Thế nên rất nhiều nhạc công nhạc Rock nghiện ma túy, loạn luân, và chết trẻ.
Xưa Khổng Tử nghe nhạc Thiều thì ba tháng không biết đến mùi vị thịt. Âm nhạc trang nhã thuần chính có thể quy chính nhân tâm, khiến con người coi nhẹ dục vọng, tu sửa quy chính đức hạnh của con người.
Trích từ bài viết Nhạc trước thuốc sau trên Tạp chí Minh Huệ Số 01 02/2023 bản Tiếng Việt