Muốn khóc thì hãy khóc, muốn tức giận thì hãy tức giận. Đừng ngó lơ!

yellow cube on brown pavement

Trong chuyên mục Câu chuyện cảm hứng, bạn sẽ cùng đọc những câu chuyện của những người bạn, người em hay anh chị đã trải qua rối loạn lưỡng cực để chia sẻ về những suy nghĩ, góc nhìn cũng như cách họ đang sống với căn bệnh triệu chứng này.

Rối loạn lưỡng cực: Muốn khoác thì hãy khóc

Thời gian bạn phát hiện và sống cùng Rối loạn lưỡng cực bao lầu rồi?

Mình được chẩn đoán 8/2018 với các triệu chứng của rối loạn cảm xúc hưng cảm khi nhập viện điều trị tại Viện Tâm Trí bệnh viện Trung uơng Huế. Lúc bố mẹ đưa đi nhập viện tình trạng khá tệ vì hầu như mấy nhận thức về mọi thứ xung quanh, hoàn toàn sống trong sự ảo tưởng của trí não (paranoia). Tức giận vô cớ và đập phá đồ lung tung. Tóm lại là hoàn toàn điên loạn.

Lúc điều trị tại viện, 1 tháng đầu hoàn toàn không nhớ được chuyện gì cả hình như do tác dụng của thuốc nên ngủ mê hầu hết thời gian.

Bạn đang lựa chọn hướng điều trị nào bên cạnh uống thuốc? (Tâm lý, Dinh dưỡng, Thể thao, Tâm linh, Viết lách,…)

Đến tháng 11/2018 mình xuất viện và vẫn được kê đơn uống thuốc rối loạn lưỡng cực nhưng rất mệt mỏi vì uống thuốc chống trầm cảm, cân bằng cảm xúc rất buồn ngủ. Dịp Tết 2019 đến hè 2019 mình dành hết tầm 16-18 tiếng chỉ để nằm trên giường (giai đoạn này bị trầm cảm). Mọi hoạt động học tập đều bị gián đoạn.

Sau đó đến tầm tháng 8/2019, mình đi học lại và ngừng uống thuốc vì không muốn lên lớp chỉ để ngủ. Lúc này vẫn khá uể oải và khó tập trung, thân hình phát tướng vì nhiều tháng nằm ì, ăn uống không kiểm soát, da dẻ kém sắc mọc mụn khắp nơi vì ăn nhiều đồ ngọt và chiên rán. Cứ bị stress là lại đâm vào ăn uống.

Đến tháng 10/2019 thì mình bắt đầu tập luyện để giảm cân nhưng rất dễ nản cứ tầm được vài ngày là bỏ cuộc.

Sau đấy lại đến Tết 2020 rồi đợt dịch này lại được ở nhà nên khoảng cách với mọi người càng xa dần, hầu như mình không giữ liên lạc với bạn bè cũ nữa do vẫn mặc cảm những hành động thiếu suy nghĩ lúc bị hưng cảm.

Đến tháng 5/2020, mình bắt đầu chạy bộ mỗi sáng và luyện ăn uống lành mạnh, thường xuyên đọc sách, nghe nhạc, và viết lách nên tình trạng cũng đã ổn định hơn. Mình không còn học hằn hay khó chịu với gia đình như trước nữa.

Phương án nào bạn thấy hiệu quả với cá nhân mình và bạn hy vọng người khác có thể áp dụng

Mình nghĩ nếu có thể điều trị mà không cần thuốc sẽ bớt được nhiều tác dụng phụ như tăng cân không kiểm soát (mình tăng gần 15kg trong 2 năm) hoặc năng lượng lên xuống thất thường. Mình có lúc rất hăng hái muốn làm cái này cái kia nhưng chỉ được vài phút là thấy mất hứng hoặc nản chí.

Vậy nên nếu có thể từ từ giảm dần lượng thuốc và hoàn toàn bỏ thì rất tốt và quá trình này cũng khá lâu ( bác sĩ mình bảo phải ít nhất 1 năm sau khi xuất viện mới được ngừng thuốc) đồng thời từ từ thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, đặt ra những mục tiêu nhỏ nhỏ mỗi ngày để dễ thực hiện và cảm thấy tốt về bản thân có hiệu quả hơn là ảo tưởng về sức mạnh bản thân rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh rằng mình bệnh tật nên ko thể làm được gì cả.

Nên ai bị bệnh hãy kiên nhẫn với bản thân và đừng bỏ rơi cơ thể của mình.

Bạn nghĩ gì về Rối loạn cảm xúc lưỡng cực?

Với mình rối loạn cảm xúc lưỡng cực vừa là điều khủng khiếp nhất xảy ra với cuộc đời của một cô gái 20 tuổi nhưng là bài học để mình biết được rằng sức khoẻ tâm lý của mình trước giờ đều không khỏe mạnh. Rất nhiều vấn đề trong quá khứ dồn lại mới khiến một người phát bệnh chứ ko phải đột nhiên một ngày đẹp trời mình bị rối loạn cảm xúc.

Thế nên mình vừa buồn về những chuyện không hay đã xảy ra nhưng cũng biết ơn vì còn có gia đình quan tâm giúp mình chữa trị.

Chứ nếu mình không phát bệnh, không nhập viện mà cứ tiếp diễn sống trong những suy nghĩ lệch lạc thì không biết những chuyện kinh khủng gì khác có thể xảy ra.

Có những gì bạn muốn chia sẻ khác ngoài câu hỏi trên?

Ai bị bệnh lâu và tìm hiểu về bệnh có lẽ sẽ biết bệnh là do di truyền.

Đây là điều khiến mình suy nghĩ khá nhiều khi tìm giải pháp để khắc phục tình trạng tâm lý bất ổn vì bố mẹ mình không bị bệnh nhưng mình có một người cô (chị gái của bố) từng phải nhập viện tâm thần. Ngoài ra thì bố mình cũng có một vài tháng bị trầm cảm do áp lực công việc. Đó là những gì mình biết về lịch sử bệnh tật của gia đình.

Nhưng mình cảm thấy không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh rằng do đi truyền mà mình bị bệnh vì mình cảm thấy từ nhỏ tới lớn bố mẹ đã luôn cố gắng hết sức để tạo ra một môi trường sống tốt nhất cho mình và chẳng bố mẹ nào muốn con cái oán trách mình gây ra bệnh cho con.

Trong khi mình còn có 3 chị gái và chẳng ai bị bệnh như mình cả.

Ngoài ra sự thờ ơ của mình với cảm xúc thật bên trong cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Chịu đựng sự khó chịu, luôn lắng nghe người khác nhưng lại bỏ qua những mong muốn của bản thân hoặc gây ra quá nhiều áp lực cho chính mình là những nguyên nhân mà mình nghĩ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của mình và khiến nó bị hủy hoại đến mức não bộ không còn nhận thức được đâu là hiện thực đâu là trí tưởng tượng.

Do đó mình mong bất kể ai đi nữa dù có bệnh hãy không thì hãy luôn lắng nghe bản thân xem mình muốn gì và cần gì.

Muốn khóc thì hãy khóc muốn tức giận thì hãy tức giận đừng ngó lơ nó rồi khiến nó tích tụ ngày một nhiều lâu dần 1 vài năm hai ba chục năm sẽ thành bệnh.

Đó là tất cả những chia sẻ của mình.

Quãng đường 2 năm tuy không dài nhưng đối với mình thì cuộc sống hoàn toàn thay đổi rồi.

Biên tập lại dưới sự cho phép của tác giả trên Page Bipolar Disorder – Roi loan cam xuc luong cuc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *