Vẫn biết nó là một phần trong cuộc sống!
Vẫn biết rằng trầm cảm là một phần của rối loạn cảm xúc lưỡng cực nhưng trải qua mùa đông lạnh giá này không hề dễ chịu nếu không muốn nói đầy sợ hãi, chán nản và tuyệt vọng. Tuy rằng biết trước nó sẽ đến, biết rằng phải làm gì với nó như ngủ đủ giấc, vận động cơ thể, suy nghĩ tích cực, tìm kiếm sự trợ giúp,…
NHƯNG, NHƯNG VÀ NHƯNG dường như trong nó cảm giác bất lực luôn xâm chiếm vào mỗi buổi sáng thức giấc như một cơn lũ ào ạt đổ về phá tan con đê. Nào đâu còn thời kì, trong người tràn đầy năng lượng của sự tươi cười, nào đâu sự “đậu phộng” quan về tương lai, đâu rồi niềm tin về làm những điều thay đổi thế giới.
Nó biết rằng ở giai đoạn này nó đang đeo chiếc kính màu xám để nhìn cuộc đời. Mọi thứ không hề ảm đạm, tệ hại như nó suy nghĩ. Vâng ý thức nó biết điều đó nhưng để từ ý thức chuyển đến cảm xúc dường như là một chặng đường marathon dài, xa thăm thẳm như Murakami Haruki mô tả trong cuốn sách Tôi nói gì khi chạy bộ. Hơi thở như nông còn bằng một đốt ngón tay và chầm chậm như sên bò, những suy nghĩ trong đầu cứ như rùa bò so với tốc độ suy nghĩ của một chiếc Ducati ở pha hưng phấn nhẹ.
Nào là những kiến thức phải thay đổi câu chuyện, thay đổi trạng thái cơ thể, thay đổi sự tập trung sẽ giúp thay đổi cảm xúc. Nhưng cuộc kéo co giữa những điều nó biết phải làm gì và những điều nó đang làm thì điều đang làm giành phần ưu thế vào thời điểm hiện tại. Cũng nỗ lực chạy bộ, bơi lội,…và cảm thấy tinh thần sản khoái hơn, suy nghĩ tích cực hơn và tự hứa với bản thân “Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của pha trầm cảm này”.
Nhưng y như sáng hôm sau, sự quyết tâm đó, năng lượng đó, lời hứa đó biến đi đâu. Nó như diễn biến của thị trường chứng khoán ở chu kì downtrend (xuống dốc) đôi lúc tăng điểm màu xanh được 1 điểm nhưng ngay hôm sau lao dốc xuống 2 điểm. Mỗi sáng khi không thực hiện được lời hứa với chính mình, lòng tự trọng của chính nó như giảm xuống, nó không còn thấy một con người cam kết, kỷ luật như trước đây nữa!?
Khi lòng tự trọng giảm thì cứ như hình hiệu ứng domino là các khía cạnh khác từ ước mơ, hoài bão, công việc, mối quan hệ, tài chính…cũng đổ xuống theo. Nó không còn tin vào mình nữa, nó không còn tin và khả năng của mình nữa. Vâng.Nó biết là nó đang trầm trọng hóa vấn đề nhưng ý thức ấy dù nó có nói với bản thân hay viết xuống giấy mọi chuyện đều ổn thì cũng không giúp nó đạt được trạng thái thoải mái.
Khi viết ra những dòng này, nó cảm thấy dường như thoải mái hơn vì được trút ra những tâm tư suy nghĩ. Nó cũng chẳng biết có ai đọc và đồng cảm những dòng này không nhưng nó vẫn viết, viết ra cho chính nó, viết ra để tự động viên nó vượt qua và viết ra để lưu dấu lại nếu biết đâu đó ngày nó thuần phục được chú hổ bất kham mang tên Rối loạn cảm xúc lưỡng cực này! Ai biết được rằng, hôm nay có thể tồi tệ, ngày mai có thể tồi tệ nhưng ngày mốt thì trời lại sáng, gà lại gáy vang và mùa xuân trăm hoa đua nở lại đến.
Cuộc sống không thể đánh mất hy vọng. Nó tự nói với mình như thế dù lòng vẫn trĩu nặng những nỗi lo vô cớ. Khi gõ đến dòng này rồi, tốc độ gõ phím của nó nhanh trở lại, hơi thở nó bắt đầu sâu hơn và trên môi nó nở một nụ cười. Hóa ra viết với nó là một cách để chia sẻ và sống sót qua mùa đông của cảm xúc tuy mùa này Sài Gòn rất nóng, nóng đến nỗi mà nhiều bạn ở Hà Nội vào đây chơi “thờ an” với nó là “Sài Gòn nóng thiệt”. Cái nóng Sài Gòn như thiêu đốt mọi thứ, cái nóng Sài Gòn ngột ngạt như chính cảm xúc tồn tại trong nó.
NHƯNG…
Nhưng nó tin rằng, trời cũng phải chịu khuất phục lòng người.
Nhưng nó tin rằng, con người sinh ra là để thực hiện sứ mệnh và mang lại điều tốt đẹp.
Nhưng nó tin rằng, chắc hẳn phải có một bài học nào đó mà nó cần trưởng thành hơn để nhận ra thông điệp này, thông điệp mà mùa đông cảm xúc gửi đến.
Minh Tuệ – Người cưỡi hổ
“Người cưỡi hổ” là cách tôi nói thay thế cho Rối loạn cảm xúc lưỡng cực vì tôi không muốn ám thị mình mãi với từ Rối loạn cảm xúc.
—-